Mối quan hệ bổ trợ giữa Công chứng viên và Thừa phát lại

26.7.24

Văn phòng Thừa phát lại Bến Thành luôn tạo điều kiện để các bạn sinh viên được tham quan, học hỏi, thực tập tại Văn phòng góp phần giới thiệu về nghề Thừa phát lại rộng rãi đến các bạn sinh viên đang theo học ngành Luật. Sau đây, chúng tôi xin đăng bài viết với nội dung bàn luận về vấn đề "Mối quan hệ bổ trợ giữa Công chứng viên và Thừa phát lại" do bạn Lê Huỳnh Văn Tây - Sinh viên ngành Luật Trường Đại học Văn Lang thực hiện để các bạn kham khảo:

1. Giới thiệu

Trong lĩnh vực pháp lý mối quan hệ giữa công chứng viên và Thừa phát lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hai bên này không chỉ là những đối tác mà còn là những người cùng hỗ trợ nhau trong quá trình xác nhận tính chính xác và hợp pháp của các văn bản, tài liệu pháp lý liên quan tới từng vấn đề nhất định.

Mặc dù lúc mới tiếp cận ta có thể thấy rằng, những công việc giữa hai bên hoàn toàn khác nhau, họ thực hiện công việc khác nhau theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tìm hiểu và nhìn nhận sau vào từng lĩnh vực thì ta sẽ thấy được những mối liên hệ giữa 2 bên trong một số lĩnh vực cụ thể, từ đó hỗ trợ nhau trong quá trình xác nhận tính xác thực, hợp pháp của các tài liệu pháp lý cũng những những sự kiện xảy ra trong thực tế.

Hiện nay, Thừa phát lại là một nghề luật mới tại Việt Nam. Với một sinh viên luật đang ngồi trên ghế nhà trường thì tôi hoàn toàn không được học pháp luật về nghề này. Nó là nghề khá xa lạ với tôi. Tuy vậy, hiện tôi lại đang là một thực tập sinh tại một Văn phòng Thừa phát lại. Đây là một điều khá thú vị. Định hướng của tôi là sau này sẽ trở thành một Công chứng viên. Do đó, trong quá trình thực tập, tôi muốn tìm hiểu điểm tương đồng và khác biệt của một Công chứng viên và một Thừa phát lại. Nếu thực tập ở Thừa phát lại thì giúp ích gì cho tôi trong công việc sau này.

Vậy, mối quan hệ bổ trợ giữa thừa phát lại và công chứng viên như thế nào? Bài viết này sẽ chia sẻ những gì mà tôi tìm hiểu được.
Mối quan hệ giữa Công chứng và Thừa phát lại

2. Chức năng của công chứng viên và thừa phát lại trong các giao dịch

+ Chức năng của Công chứng viên:

Công chứng viên là những người có chuyên môn trong việc chứng thực các văn bản và xác minh tính hợp pháp của các văn bản, hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng (Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014).

VD: Trong quá trình mua bán bất động sản hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, công chứng viên thường được yêu cầu để xác nhận tính chính xác của các tài liệu như hợp đồng mua bán, bản ghi chứng từ, và các tài liệu pháp lý khác. Họ cũng chứng thực các chữ ký và xác nhận danh tính của các bên liên quan.

+Chức năng của Thừa phát lại:

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP).

Những công việc mà Thừa Phát lại thực hiện: (i) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. (ii) Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự. (iii) Tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. (iv) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự (Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP). Như vậy, thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên…

3. Mối quan hệ bổ trợ giữa Thừa phát lại và Công chứng viên

Trong mối quan hệ với công chứng viên, Thừa phát lại cung cấp các tài liệu và thông tin cần thiết để công chứng viên có thể xác minh và chứng thực các giao dịch pháp lý. VD: Thừa phát lại sẽ cung cấp bản gốc hoặc sao chép của các văn bản quan trọng như giấy tờ tài sản, giấy chứng nhận quyền sở hữu, và các hợp đồng liên quan,.. để công chứng viên có thể biết các giao dịch đó có hợp pháp hay không để công chứng, chứng thực cho các giao dịch đó.

Mối quan hệ giữa công chứng viên và Thừa phát lại là một quan hệ bổ trợ mà hai bên cùng hợp tác với nhau để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của các giao dịch pháp lý.

Hoạt động của Thừa phát lại có những nét giống với hoạt động của công chứng viên, nhất là hành vi công chứng và hành vi lập vi bằng. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động lập vi bằng nói chung và các vi bằng nói riêng cũng hỗ trợ cho hoạt động của các Công chứng viên. Hai bên này cùng hỗ trợ nhau để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của các giao dịch pháp lý. Sự hiểu biết và sự hợp tác giữa công chứng viên và Thừa phát lại là chìa khóa cho việc thành công trong các giao dịch pháp lý và mang đến lợi ích cho bên khách hàng.

Cụ thể Công chứng viên sẽ chứng nhận tính hợp lệ và chính xác của các tài liệu và giao dịch pháp lý đang diễn ra trong quá trình lập vi bằng của Thừa phát lại và đảm bảo rằng quy trình thực hiện giao dịch diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.

VD: Để tránh xảy ra tranh chấp liên quan đến tính hợp pháp trong quá trình lập di chúc. Khách hàng sẽ yêu cầu cả Công chứng viên và Thừa phát lại tham gia gia vào quá trình lập di chúc của mình. Trong trường hợp này,  Công chứng viên và Thừa phát lại chính là đối tác của nhau, cùng đảm bảo cho việc lập di chúc đó diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Thừa phát lại sẽ thực hiện việc lập vi bằng quá trình di chúc và công chứng viên sẽ chứng kiến quá trình viết di chúc và đảm bảo rằng khách hàng viết di chúc là tỉnh táo và có ý thức về những gì mình đang làm. Cả hai đều có vai trò quan trọng đảm bảo rằng di chúc được viết một cách rõ ràng và hợp pháp.

4. Việc thực tập tại thừa phát lại sẽ mang đến lợi ích to lớn khi hành nghề công chứng trong tương lai

Dưới góc độ là một sinh viên luật, tôi cho rằng việc lựa chọn Thừa phát lại thì sẽ có thể tiếp thu kinh nghiệm cũng như có thể cải thiện một số kỹ năng tư duy cho quá trình hành nghề công chứng như sau:

 Thực hành và nâng cấp kỹ năng tư duy pháp lý trong quá trình thực tập:    

        Thực tập tại văn phòng thừa phát lại giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định và quy trình pháp lý liên quan đến thừa phát lại. Điều này cực kỳ hữu ích khi bạn bắt đầu sự nghiệp công chứng của mình tương lai của mình.

Cải thiện kỹ năng giao tiếp và thực hành:

Thực tập cung cấp cơ hội cho bạn áp dụng các kiến thức lý thuyết vào thực tế. Bạn có thể học được cách thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như kiểm tra tài liệu, xác minh danh tính và chứng nhận giao dịch.

Ngoài ra, khi làm việc tại văn phòng cũng đòi hỏi bạn phải giao tiếp một cách rõ ràng và hiệu quả với các bên liên quan (có thể là khách hàng, đồng nghiệp, người hướng dẫn..). Bạn cũng sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường nhóm với các bạn thực tập sinh cùng khóa hoặc cùng nhau làm việc với các anh chị tại văn phòng, từ đó phát triển kỹ năng làm việc nhóm của mình và giúp đỡ công việc của mình trong tương lai.

Xây dựng mối quan hệ để hỗ trợ công việc trong tương lai:

Thực tập cung cấp cơ hội để gặp gỡ và làm việc cùng các chuyên gia trong lĩnh vực Thừa phát lại. Khi tham gia quá trình làm việc như lập vi bằng cùng các anh chị Thừa phát lại thì ta có thể gặp được nhiều người hơn (như gặp gỡ được các công chứng viên khác đang làm việc cùng các Thừa phát lại). Họ có thể giới thiệu hoặc hỗ trợ trong quá trình làm việc còn bỡ ngỡ của mình.

Ngoài ra, trong tương lai nếu mình được làm Công chứng viên thì khi có những vấn đề cần Thừa phát lại hỗ trợ thì mình có thể sử dụng mối quan hệ trên để có thể giải quyết công việc một cách nhanh chóng hơn. Và ngược lại khi Thừa phát lại cần giúp đỡ trong quá trình đảm bảo tính xác thực của các giao dịch thì mình sẽ giúp đỡ từ đó cũng giúp mình tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn và cải thiện kỹ năng pháp lý của mình.

5. Cảm nhận của bản thân trong khoảng thời gian thực tập

+ Quá trình phỏng vấn ban đầu:

Sau buổi phỏng vấn ít ngày, số anh chị đang trong kỳ thực tập tại các trường đại học được nhận vào khoảng năm người. Sinh viên thực tập theo hình thức partime chúng tôi thì đa phần được nhận vào thực tập hết (khoảng 3 bạn) vì văn phòng cũng tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập để tiếp thu kinh nghiệm.

+ Trong khoảng thời gian thực tập hai tuần qua:

Đầu tiên, chúng tôi được cung cấp kiến thức liên quan đến Thừa phát lại: Công việc của Thừa phát lại là xác minh điều kiện thi hành án, lập vi bằng, tổ chức thi hành án, tống đạt văn bản theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP và Thông tư 05/2020/TT-BTP.

Thứ hai, công việc mà tôi đã được tham gia chính là đánh văn bản cho các đoạn ghi âm hoặc sắp xếp các hình ảnh và đưa cho các anh chị kiểm tra.

Cuối cùng, khi đến thực tập tại văn phòng tôi được các anh chị ở văn phòng hướng dẫn chỉ bảo rất tận tình. Không khí ở văn phòng lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở giữa các thư ký.

+ Những điều rút ra sau khi thực tập tại văn phòng Thừa phát lại:

Văn phòng chủ yếu thực hiện các công việc liên quan tới lập vi bằng. Nếu có cơ hội, tôi muốn cùng các anh chị Thừa phát lại tham gia và chứng kiến cách lập một vi bằng trên thực tế.

Ngoài ra, môi trường làm việc tại văn phòng khá là năng động, các anh chị thư ký tại văn phòng luôn tạo điều kiện và hướng dẫn cụ thể cho sinh viên thực tập được tiếp thu các công việc mà các anh chị đang làm.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Quý khách hàng chỉ cần gọi điện hoặc nhắn tin đến hotline 86 525 1138, các Thừa phát lại dày dặn kinh nghiệm sẽ lập tức hỗ trợ

Đặt lịch tư vấn

Bạn đang cần được tư vấn ?