Blog - Thừa phát lại Bến
Thành luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên luật đến tham quan, thực
tập tại Văn phòng. Một trong những công việc bắt buộc của các thực tập sinh là
phải viết bài luận, đánh giá về một vấn đề liên quan đến Thừa phát lại. Sau
đây, chúng tôi xin đăng bài viết "Sinh
viên Luật có nên tham gia thực tập tại Văn phòng Thừa phát lại hay không"
của Thực tập sinh K1 Lê Minh Thư-
Sinh viên Luật năm 2 Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh để các bạn tham khảo:
Xin chào mọi người!
Mình là Minh Thư, hiện tại mình đang là
sinh viên năm hai của Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và mình đang là một thực
tập sinh tại Văn phòng Thừa phát lại Bến Thành. Đây chắc hẳn là một nghề luật
thoạt nghe đến tên gọi, mình bỗng thấy có chút xa lạ vì trong chương trình
chuyên ngành Luật của mình hiện tại không có bộ môn này.
Tuy vậy, trong quá trình tìm kiếm nơi thực
tập cho kỳ học sắp tới mình đã thấy bài đăng tuyển thực tập sinh của Văn phòng
Thừa phát lại Bến Thành. Mình liền thử đăng ký và được Văn phòng chấp nhận.
Chương trình thực tập của mình sẽ kéo dài 02 tháng và hiện tại mình đã bước vào
tuần thứ hai của kỳ thực tập này. Từ đó, mình cũng đã có những cảm nhận ban đầu
về Thừa phát lại.
Thừa phát lại có các chức năng theo Điều 3
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, Thừa phát lại thực hiện các
công việc: (1) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; (2) Lập vi bằng theo yêu cầu
của cá nhân, cơ quan, tổ chức; (3) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu
của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (4) Tổ chức thi hành
các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
 |
Hình ảnh bạn Thư đang thực hành in ấn tài liệu |
Theo những chia sẻ của các anh, chị tại
Văn phòng mình thì chức năng thứ ba và thứ tư có ý nghĩa là san sẻ công việc với
các cơ quan thi hành án nhà nước. Tuy vậy, vì các quy định vẫn chưa phù hợp với
bối cảnh thực tế nên các Thừa phát lại hầu như không thực hiện hai mảng công việc
này. Về chức năng tống đạt thì mình cũng chưa thấy các anh,chị tại Văn phòng Thừa
phát lại Bến Thành thực hiện.
Thay vào đó, công việc lập vi bằng tại đây
lại được các anh, chị quan tâm rất nhiều và phải hoàn thiện rất nhiều hồ sơ mỗi
ngày, mỗi tuần. Lập vi bằng là việc ghi nhận lại toàn bộ sự kiện theo yêu cầu một
cách khác quan, đầy đủ để thực hiện việc tổng hợp chứng cứ cho quá trình tố tụng.
Nghe qua thì công việc này không đòi hỏi nhiều về kiến thức pháp luật nhưng
mình thấy Thừa phát lại cũng phải am hiểu kiến thức pháp luật bao quát, nắm vững
kiến thức nền tảng về các mảng luật chính như Luật Dân sự để có thể tư vấn cho
khách hàng đến yêu cầu lập vi bằng, giúp khách hàng khoanh vùng phạm vi cần xác
lập chứng cứ để có thể đem đến hiệu quả tốt nhất dành cho khách hàng. Ví dụ,
mình đã từng được quan sát Thừa phát lại lập vi bằng về di chúc. Thừa phát lại
phải trả lời, tư vấn cho người lập vi chúc, những người con trong gia đình về yêu
cầu riêng đối với di sản được thừa kế cũng như các vấn đề về pháp luật thừa kế
khác.
Các bạn sinh viên có thể có thắc mắc là
sinh viên Luật có nên đi thực tập ở Văn phòng Thừa phát lại hay không ? – Với
kinh nghiệm là một người đang thực tập tại một Văn phòng Thừa phát lại, mình sẽ
chia sẻ theo góc nhìn của mình như sau:
Câu trả lời còn tùy thuộc vào mức độ hiểu
biết và quá trình tự tìm hiểu của các bạn. Vì theo góc nhìn của mình, các bạn
sinh viên thường ưu tiên bắt đầu kỳ thực tập đầu tiên tại các cơ quan Nhà nước
như Tòa án, Viện kiểm sát hoặc các văn phòng luật sư hay văn phòng công chứng.
Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là các cơ quan truyền thống có chức năng, hoạt động
pháp luật.
Thừa phát lại là một nghề luật mới và đang
trong giai đoạn phát triển. Các Văn phòng Thừa phát lại thành lập ngày càng được
mở rộng. Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 192 văn phòng trên cả nước. Học viện
Tư pháp nơi được biết đến với các khóa học đào tạo Luật sư, Thẩm phán, Kiểm Sát
viên thì hiện nay tại Học viện cũng đã đào tạo và tuyển sinh nghề Thừa phát lại
đến khóa thứ 9. Do đó, đây là một nghề luật đáng để các bạn cân nhắc sau khi tốt
nghiệp.
Vì thế mà các bạn chỉ nên đi thực tập tại
Văn phòng Thừa phát lại sau khi tìm hiểu kỹ và đã trải qua các công việc liên
quan đến pháp luật khác. Bởi vì, hiện tại các Thừa phát lại chủ yếu thực hiện
công việc lập vi bằng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì và niềm yêu thích
dành cho công việc. Vì công việc không đòi hỏi áp dụng kiến thức pháp luật nhiều
như Luật sư hay Công chứng viên… Dù vậy Thừa phát lại cũng cần phải có kiến thức
bao quát và đầy đủ như các công việc khác. Mình có cảm nhận rằng nếu quy định
pháp luật có chỉnh sửa, các anh chị Thừa phát lại được làm các công việc như
thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án thì cũng đòi hỏi ở họ về kiến thức
pháp lý rất sâu và rộng.
Kiến
thức mà các bạn sinh viên được cung cấp trên giảng đường là những kiến thức nền
tảng và lý thuyết về một ngành học, một môn học. Vậy nên nếu các bạn sinh viên
muốn tìm hiểu những kiến thức ấy khi áp dụng thực tế thì nó sẽ được áp dụng như
thế nào và những điểm khác nhau giữa quy định và thực tiễn thì ở Văn phòng Thừa
phát lại các bạn có thể chưa được đánh giá được những vấn đề ấy. Nhưng vẫn có rất
nhiều kỹ năng để áp dụng pháp luật mà các bạn cũng sẽ được tìm hiểu.
Sau một tuần thực tập đầu tiên mình cũng
đã học được nhiều kỹ năng và kiến thức trong quá trình quan sát và được nghe
anh, chị hướng dẫn, góp ý chỉnh sửa cho mình và mình nhận ra mình còn rất nhiều
thiếu sót.
Đến bây giờ, mình vẫn cho rằng, quyết định
và cơ hội được thực tập học hỏi ở Văn phòng Thừa phát lại Bến Thành vẫn là một
quyết định đúng và là cơ hội rất lớn dành cho mình. Không biết sau khi đọc được những dòng
chia sẻ của mình các bạn sẽ có suy nghĩ như thế nào. Dù là như thế nào nếu có
cơ hội được một lần thử thì không chần chừ mà hãy cho bản thân cơ hội được trải
nghiệm bạn nhé!