Có nên đưa bộ môn Thừa phát lại vào việc giảng dạy tại các trường đại học không?
30.6.24Blog - Thừa phát lại Bến Thành luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên luật đến tham quan, thực tập tại Văn phòng. Một trong những công việc bắt buộc của các thực tập sinh là phải viết bài luận, đánh giá về một vấn đề liên quan đến Thừa phát lại. Sau đây, chúng tôi xin đăng bài viết nội dung bàn luận về vấn đề "Có nên đưa bộ môn Thừa phát kại vào việc giảng dạy tại các trường đại học " của Thực tập sinh K1 Cao Thị Hằng My- Sinh viên Luật năm 3 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để các bạn tham khảo:
Hiện nay, theo quan sát của mình thì hầu như các cơ sở đào tạo Luật chưa đào tạo, giảng dạy môn pháp luật về Thừa phát lại (như Trường Đại học Luật TP. HCM nơi mình đang theo học). Nhiều chuyên gia và nhà giáo dục đã đề xuất việc đưa pháp luật về lĩnh vực này vào chương trình đào tạo luật, với hy vọng mang đến những lợi ích đáng kể cho người học.
Vậy lý do nào mà pháp luật về Thừa phát lại chưa được giảng dạy ở các trường đào tạo Luật ?
Theo quan điểm của mình khi đưa một môn học nào vào giảng dạy cũng cần phải đáp ứng được nhiều yếu tố. Không chỉ xét về lợi ích mà còn phải xem xét những tính bất cập trong việc giảng dạy. Có thể là kiến thức nền tảng của bộ môn này chưa quan trọng bằng các môn khác nên sự ưu tiên chưa có, hoặc bộ môn này chưa được biết rộng rãi và chưa thực sự phổ biến trong ngành luật nói chung. Tuy nhiên hiện nay Học viện Tư Pháp đã có đào tạo riêng bộ môn này dành cho những ai muốn học và theo đuổi nghề Thừa phát lại. Do đó sự cần thiết phải bổ sung môn pháp luật Thừa phát lại vào chương trình giảng dạy của bậc đại học chuyên ngành luật là thật sự cần thiết.
Dựa vào một bài khảo sát nhỏ trên thực tế mà mình thực hiện dựa trên việc hỏi đáp với đối tượng là các bạn sinh viên cùng trường thì có đến 80% sinh viên Luật mà mình hỏi chưa nghe qua và cũng chưa biết rõ về công việc của nghề Thừa phát lại.
Thừa phát lại là một nghề luật mới tại Việt Nam, thực hiện đến 4 chức năng, nhiệm vụ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực pháp luật. Đặc biệt, chức năng lập vi bằng đang giúp các bên tạo lập nguồn chứng cứ trong các giao dịch, hợp đồng đồng thời cũng cố nguồn chứng cứ trong trường hợp tranh chấp.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghề Thừa phát lại mang lại nhiều lợi ích cho người học đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành luật. Do đó đứng trên góc độ là một sinh viên Luật và hiện tại đang thực tập tại văn phòng Thừa phát lại thì mình thấy được rõ tầm quan trọng của việc đưa pháp luật về Thừa phát lại vào thành một môn học tại bậc đại học Luật.
Hình ảnh TPL Hoàng Đức Hoài đang hướng dẫn các bạn thực tập sinh |
Sự cần thiết của việc nên đưa Thừa phát lại vào làm môn học như sau:
1. Việc được học môn này giúp sinh viên luật có thêm kiến thức về một nghề nghiệp luật, có cái nhìn tổng quan hơn về các công việc pháp lý. Tăng cường kiến thức pháp lý cho sinh viên, việc đưa Thừa phát lại vào giảng dạy sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng và quy trình hoạt động của nghề này, đồng thời nâng cao hiểu biết về hệ thống pháp luật nói chung.
2. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhân lực trong nghề này ngày càng tăng cao, do đây là nghề đang trong quá trình phát triển (khác với nghề Luật sư và Công chứng viên đang bão hoà) nên việc đào tạo về Thừa phát lại cũng sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên, đặc biệt là trong các cơ quan tư pháp, luật sư, và các doanh nghiệp.
3. Việc đưa nghề Thừa phát lại vào giảng dạy cũng phù hợp với xu hướng phát triển của ngành Luật.
4. Không chỉ cung cấp về kiến thức mà môn này còn cung cấp các kỹ năng thực tiễn như giao tiếp, soạn thảo văn bản pháp lý, thu thập và xác minh thông tin, v.v. Những kỹ năng này rất cần thiết cho các công việc trong lĩnh vực pháp lý.
Bên cạnh những lợi ích mà nghề này mang lại thì cũng có những thách thức và những yếu tố cần phải xem xét.
Trước hết, đây là một lĩnh vực khá chuyên sâu, đòi hỏi người học phải nắm vững nhiều kiến thức pháp lý và kỹ năng thực hành. Việc bổ sung nội dung này vào chương trình hiện tại có thể khiến người học cảm thấy quá tải về mặt học tập. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về phương pháp và mức độ giảng dạy thích hợp, đảm bảo không gây quá tải nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người học.
Bên cạnh đó, mời các Thừa phát lại đang hành nghề về thỉnh giảng là rất cần thiết, vừa là để phổ biến hơn về nghề này, vừa là để chia sẻ thêm những kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước. Từ đó tăng hứng thú hơn trong việc họ, và cũng để mọi người hiểu rõ hơn về nghề này.
Trên thực tế việc được thực tập tại các văn phòng Thừa phát lại và các đơn vị hành nghề Luật nói chung là phương pháp nhanh nhất để tiếp thu kiến thức cũng như rút được kinh nghiệm cho bản thân, việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý , tăng các liên kết nghề nghiệp và cơ hội thực tập tại các văn phòng Thừa phát lại cũng là một giải pháp hữu ích để đảm bảo chương trình giảng dạy đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tóm lại, việc đưa chủ đề thừa phát lại vào chương trình giáo dục mang lại nhiều cơ hội đáng kể, những kiến thức và kỹ năng cốt lõi, tăng cường hiểu biết về hệ thống pháp luật, và chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn phù hợp cho thị trường lao động.